Theo kế hoạch vào tháng 3-2018, CCN Hòa Long (TP.Bà Rịa) sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động để di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong khu dân cư. Thời điểm này, TP.Bà Rịa đang khẩn trương rà soát, vận động người dân cần có kế hoạch di dời theo chủ trương của tỉnh.
Ông Nguyễn Thanh Tòng, Phó Giám đốc BQL dự án 1, TP.Bà Rịa cho biết, CCN Hòa Long có quy mô 50ha, trong đó có gần 16ha phục vụ cho việc di dời 141 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP.Bà Rịa. Tại thời điểm này, khối lượng thi công đã đạt 75%. BQL dự án CCN Hòa Long đang đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành vào tháng 3-2018.
TP.Bà Rịa hiện có hơn 700 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Trong số này, có hơn 171 cơ sở thuộc diện phải di dời vào CCN Hòa Long gồm các ngành nghề: sản xuất vật liệu xây dựng, than, gia công cơ khí, sửa chữa nhỏ, gia công đồ mộc dân dụng và tiện cưa gỗ, sản xuất nước đá, thức ăn gia súc, chế biến hạt điều…
Là một trong những cơ sở phải di dời vào CCN Hòa Long, ông Trần Xuân Hoàng (phường Phước Trung, TP.Bà Rịa) - chủ cơ sở Xuân Hoàng cho biết: Cơ sở gò hàn Xuân Hoàng hoạt động từ năm 1987. Với diện tích 200m2, cơ sở rất khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, nên khi biết tỉnh có chủ trương di dời vào khu sản xuất tập trung, ông Hoàng hoàn toàn ủng hộ. “Xưởng rộng hơn, chắc chắn cơ sở của tôi sẽ thuận lợi nhiều trong sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, chúng tôi rất mong chủ đầu tư sớm hoàn thiện các hạng mục công trình, để cơ sở nhanh chóng di dời”, ông Hoàng nói.
Xác định việc di dời các cơ sở TTCN vào CCN là chủ trương lớn của tỉnh, nên không riêng gì cơ sở Xuân Hoàng mà nhiều cơ sở khác đã chuẩn bị tâm thế di dời. Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở bày tỏ lo lắng việc di dời sẽ phát sinh khó khăn về vốn đầu tư nhà xưởng mới, chi phí sản xuất tăng, người lao động nghỉ việc.
Ông Huỳnh Văn Sa, chủ cơ sở sửa chữa ô tô Huỳnh Sa cho biết: Hiện tại nhờ tận dụng mặt bằng của gia đình, hàng tháng ông tiết kiệm được tiền thuê mặt bằng. Tới đây nếu di dời cơ sở vào CCN Hòa Long thì cơ sở của ông phải trả tiền thuê mặt bằng, không những thế sẽ mất đi một lượng khách hàng. Ông Sa nói: “Dời xưởng đến nơi mới, tôi phải bỏ thêm vốn để đầu tư nhà xưởng. Ngoài ra, do CCN cách chỗ cũ khoảng 3km nên thời gian đầu sẽ bị mất lượng khách quen, ảnh hưởng tới doanh thu. Vì vậy, chúng tôi mong muốn tỉnh có chính sách hỗ trợ trong thời gian đầu khi di dời”.
Để giúp cho các cơ sở phải di dời sớm ổn định sản xuất, và tạo hành lang pháp lý cho các địa phương triển khai tốt công tác di dời, ngày 31-10, UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp nghe Sở Công thương báo cáo dự thảo tờ trình về chính sách hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp, bà Bùi Thị Dung, Giám đốc Sở Công thương đã nêu ra phương án hỗ trợ. Theo đó, các cơ sở di dời được hỗ trợ 50% tiền thuê đất tại địa điểm mới trong 5 năm đầu, không quá 60 triệu đồng/năm; hỗ trợ tiền thuê nhà xưởng tại địa điểm mới không quá 300 triệu đồng/cơ sở; hỗ trợ cho việc tháo dỡ, vận chuyển, lắp đặt nhà xưởng thiết bị được thực hiện theo quy mô sản xuất của cơ sở; hỗ trợ lãi suất cho vay đầu tư xây dựng cơ sở mới với mức lãi suất được hỗ trợ theo hợp đồng tín dụng nhưng tối đa không vượt quá lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại từng thời kỳ, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 24 tháng. Về chính sách hỗ trợ người lao động đã làm việc từ 6 tháng trở lên tại cơ sở trong thời gian ngừng sản xuất là 1 tháng lương và phụ cấp.
Di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm là chính sách lớn của tỉnh, đã được chuẩn bị trong nhiều năm qua. Việc làm này, dù muốn hay không các cơ sở sản xuất cũng phải thực hiện. Chính sách hỗ trợ mà tỉnh đang nghiên cứu xây dựng không thể đáp ứng hết nhu cầu của các DN, cơ sở sản xuất, nhưng phần nào đó sẽ giúp DN, cơ sở sản xuất tháo gỡ khó khăn ban đầu khi di chuyển về địa điểm làm ăn mới.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 02/11/2017