Ngành công nghiệp đóng tàu trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khởi sắc khi xuất xưởng nhiều tàu mới có giá trị cao. Đây cũng là một trong những ngành góp phần gia tăng giá trị xuất khẩu của tỉnh trong năm qua.Sản xuất ổn định
Được cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2006, Công ty TNHH Vard Vũng Tàu (KCN Đông Xuyên, TP. Vũng Tàu), hiện có khoảng 1.400 lao động làm việc thường xuyên. Ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Vard Vũng Tàu cho biết, Công ty đặt mục tiêu xây dựng một nhà máy đóng tàu cạnh tranh nhất châu Á, có thể đóng những con tàu chuyên dụng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Công ty đã đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, trong đó cầu cảng có thể neo đậu tàu chuyên dụng đến 7.000DWT - loại tàu chuyên dụng lớn và ụ nổi dùng để hạ thủy tàu có chiều dài 120m, chiều rộng lòng 32m và có sức nâng 7.500 tấn. “Tính đến thời điểm này, chúng tôi đã bàn giao 11 tàu các loại cho khách hàng Mỹ, Na Uy, Úc, Singapore. Hiện công ty đang có 6 đơn hàng đóng tàu, bảo đảm công việc cho người lao động đến quý IV-2016. Doanh thu của công ty đạt 1.000 tỷ đồng/năm” - ông Trần Thanh Bình cho hay.
Kết quả sản xuất kinh doanh của những xưởng đóng tàu tại KCN Đông Xuyên trong thời gian qua cho thấy, tiềm năng phát triển của ngành công nghiệp này khá lớn. Các dự án đã có sự đa dạng về chủng loại tàu thuyền sửa chữa và đóng mới, trong đó các loại tàu đóng mới phổ biến được các chủ đầu tư quan tâm là du thuyền và tàu chở hàng, tàu tuần tra. Điển hình là Công ty CP Công nghệ Việt Séc, đơn vị hợp tác với hãng đóng tàu Jame Boat của châu Âu trong việc thiết kế, chế tạo ca nô, tàu thuyền, du thuyền. Năm 2014, công ty này đã đóng mới nhiều tàu, xuồng có giá trị cao. Đặc biệt, Công ty đã bàn giao xuồng tuần tra cao tốc CSB 421 theo tiêu chuẩn châu Âu với tổng chi phí 12 tỷ đồng cho Vùng Cảnh sát biển 3. Xuồng dài 13,5m, rộng gần 3,5m, 600 mã lực và chở được 3 tấn hàng cùng 12 người.
Tiềm năng lớn
Ngành công nghiệp đóng tàu được dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới khi Chính phủ, các bộ, ngành có các chính sách ưu tiên cho lĩnh vực này. Cụ thể, năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp đóng tàu thực hiện chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, mục tiêu đến năm 2020 đưa ngành đóng tàu trở thành ngành mũi nhọn trong thực hiện chiến lược kinh tế biển, tập trung vào sản xuất một số sản phẩm phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2020 tốc độ tăng giá trị sản lượng toàn ngành là 5-10%; danh mục 70-80% năng lực sản xuất phục vụ nhu cầu đóng tàu các loại ở trong nước, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng an ninh (trừ một số loại tàu như tàu ngầm, tàu tuần dương hạm, tàu chiến đấu); từ 3-10% dành cho xuất khẩu với số lượng tàu dự kiến 1,67-2,16 triệu tấn/năm; đóng mới tàu biển tập trung vào nhóm tàu có trọng tải 30.000-50.000 DWT…
Từ cuối năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch ngành đóng tàu Việt Nam, trong đó KCN Đông Xuyên được chọn nằm trong vùng quy hoạch gắn với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Theo đó, KCN Đông Xuyên được xác định là tập trung tận dụng triệt để năng lực gia công của các dây chuyền sản xuất ống, mạ, đúc, rèn; dây chuyền sửa chữa động cơ diesel tàu thủy và các nhà máy cơ khí công nghiệp tàu thủy đóng tàu của các đơn vị quân đội, các DN gắn với phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
LAM GIANG
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 27/01/2015