Thời gian qua, việc xử lý xỉ thép đã gây nên những lo ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong khi đó, nếu được xử lý đúng cách, đúng công nghệ thì xỉ thép có thể thay thế các vật liệu tự nhiên cung cấp cho các hoạt động xây dựng công nghiệp, dân dụng…
XỈ THÉP LÀ GÌ?
Xỉ thép được hình thành như là một sản phẩm phụ trong quá trình sản xuất thép. Các thành phần hóa học chính của xỉ thép là Ôxít Canxi CaO, Sắt FexOy, Magiê MgO, Mangan MnO2, Silic SiO2 và Nhôm Al2O3,…ở các phức bền vững, trong đó thành phần chính là CaO, SiO2 và FexOy chiếm đến 80% trọng lượng của xỉ lò. Xỉ lò điện hồ quang phát sinh từ quá trình luyện thép và được lấy ra ở nhiệt độ 16000C. Ở nhiệt độ này, các kim loại nặng, chất hữu cơ, chất dễ bay hơi độc hại hoàn toàn không có mặt trong xỉ thép vì ở nhiệt độ > 1.2000C thì mọi chất thải nguy hại đều bị tiêu hủy hoàn toàn.
Xỉ thép có tính chất cơ học rất tốt do cấu trúc tinh thể đặc biệt, được so sánh tương tự hoặc tốt hơn so với cấu trúc của đá tự nhiên. Xỉ thép có những ưu điểm sau: nặng hơn so với hầu hết cốt liệu tự nhiên; độ ma sát tốt hơn so với bê tông asphalt; độ bền cao và chịu đựng tốt trong điều kiện thời tiết xấu. Vì vậy, xỉ thép được dùng để thay thế các loại vật liệu có nguồn gốc tự nhiên nhằm hạn chế khai thác tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
ỨNG DỤNG CỦA XỈ THÉP
Hơn 100 năm qua, tại Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, xỉ thép đã được ứng dụng rộng rãi trong xây dựng các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, phát triển giao thông,... xỉ thép nếu đã qua quá trình xử lý, tái chế, sẽ cho ra các sản phẩm thay thế cho các vật liệu tự nhiên để làm đường bê tông asphalt, làm vật liệu trải đường hoặc làm móng các công trình giao thông; làm cốt liệu cho đổ bê tông làm nền nhà xưởng, kho bãi; xỉ thép thay thế cho đá để chống sạt lở các công trình đê, kè biển; do tính chất hóa lý đặc biệt, xỉ thép còn được sử dụng làm vật liệu để xử lý nước thải nhiễm Phốt pho, nhiễm a xít, xử lý nước mưa nhiễm bẩn hoặc lọc nước thải có chứa nhiều chất bẩn và kim loại nặng. Ngoài ra, do hàm lượng đá vôi có nhiều trong xỉ thép và chứa một số khoáng chất đặc biệt nên nó còn có thể dùng làm phân bón, cải tạo đất hoặc phục hồi hệ sinh thái đáy biển, đáy sông bị tàn phá do các hoạt động nạo vét luồng tàu để làm cảng biển, cảng sông,… Với những tích chất như trên, xỉ thép được xem như là một sản phẩm có ích, thân thiện với môi trường, không phải là chất thải cần phải loại bỏ hoặc đem chôn lấp.
Bà Rịa – Vũng Tàu tập trung nhiều nhà máy luyện thép và được xem như là trung tâm luyện kim của cả nước với sản lượng phôi thép khoảng 3,75 triệu tấn/năm, khối lượng xỉ thép được dự báo khoảng 412.000 – 562.500 tấn xỉ/năm. Xỉ thép phát sinh từ luyện thép nhưng chưa được tái chế sẽ gây ra những vấn đề như bụi, nước mưa chảy tràn qua bãi chứa xỉ, là gánh nặng về môi trường và kinh tế cho các nhà máy luyện thép, đồng thời nó sẽ làm mất đất và lãng phí tài nguyên nếu đem đi chôn lấp.
Với tốc độ phát triển công nghiệp nhanh chóng, đặc biệt là các KCN của tỉnh đều tập trung ở khu vực hạ lưu sông Thị Vải là những vùng đất ngập nước nên cần một khối lượng rất lớn đất, cát, đá để phục vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các công trình cảng biển, kho bãi logistic và các dự án đầu tư công nghiệp. Nếu nghiên cứu sử dụng xỉ thép để làm vật liệu thay thế đá, đất,…thì sẽ giảm được một phần sức ép cho tỉnh về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, giảm tình trạng khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và góp phần bảo vệ môi trường, giúp các nhà máy thép thay đổi hình ảnh theo hướng tích cực về bảo vệ môi trường.
Công nghệ xử lý, tái chế xỉ thép đơn giản, không phức tạp. Việc xử lý xỉ thép trên thế giới cũng như ở Việt Nam đều bắt đầu từ nguyên tắc làm giảm kích thước, tuyển từ để tách thép phế liệu còn lẫn trong xỉ và sàng phân loại để thu được các sản phẩm hạt xỉ có kích thước khác nhau dùng cho nhiều mục đích sử dụng. Tuy nhiên, đến nay tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, hoạt động xử lý, tái chế xỉ thép khó triển khai vì xỉ thép vẫn được xem là chất thải cần phải loại bỏ hoặc đem đi chôn lấp mà chưa được coi là “sản phẩm phụ” của quá trình luyện thép và là nguồn tài nguyên quý cần được tái sử dụng.
Chỉ khi nào chúng ta xem xỉ thép là một nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất thành các sản phẩm có ích, lúc đó, vấn đề xỉ thép trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ được giải quyết triệt để.
Theo Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.