RÀNG BUỘC TRÁCH NHIỆM ĐẦU TƯ, LOẠI BỎ Ý ĐỒ ĐẦU CƠ
Nhằm khai thác quỹ đất công hiệu quả, Sở TN-MT đã xây dựng phương án mới về đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, có sự ràng buộc nhiều hơn về trách nhiệm đưa đất vào sử dụng, triển khai dự án của người trúng đấu giá.
Nhằm khai thác quỹ đất công hiệu quả, Sở TN-MT đã xây dựng phương án mới về đấu giá quyền sử dụng đất. Trong đó, có sự ràng buộc nhiều hơn về trách nhiệm đưa đất vào sử dụng, triển khai dự án của người trúng đấu giá.
Khu “đất vàng” ở Bãi Trước (TP. Vũng Tàu) đang được xây dựng lại phương án bán đấu giá trong năm 2020.
Theo ông Nguyễn Thái Sinh, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, năm 2020, tỉnh sẽ tổ chức đấu giá quyền sử dụng 22 khu đất, với tổng diện tích 113,26 ha, dự kiến thu gần 5.680 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh đã tổ chức đấu giá thành công 2 khu đất diện tích 28.519 m2 với tổng giá trị 199,2 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả năm 2019, đến nay, tỉnh đã đấu giá thành công 9 khu đất, thu về 1.450 tỷ đồng. 20 khu đất còn lại sẽ bán đấu giá từ nay đến cuối năm 2020.
Việc đấu giá thành công các khu đất công sẽ mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. Nhưng một trong những vấn đề dễ phát sinh là tình trạng đầu cơ đất. Không ít tỉnh thành trong cả nước đã ngán ngẩm trước cảnh nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công đã “ngâm đất” chờ chuyển nhượng lại quyền sử dụng, làm lãng phí tài nguyên. Do đó, để khai thác quỹ đất hiệu quả, Sở TN-MT đã lên phương án đấu giá quyền sử dụng đất mới, theo định hướng chung là không gây lãng phí; đúng quy hoạch được phê duyệt, góp phần tạo sự thay đổi bộ mặt đô thị… Phương án này cũng đưa ra các quy định chặt chẽ hơn nhằm phòng ngừa tình trạng đầu cơ, phá vỡ quy hoạch chung.
Khu đất KDL mũi Nghinh Phong được định giá khởi điểm khoảng 500 tỷ đồng.
Ông Lê Ngọc Linh, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong phương án đấu giá quyền sử dụng đất mới, tỉnh BR-VT sẽ yêu cầu sau khi trúng đấu giá, nhận bàn giao đất, nhà đầu tư phải đưa đất vào sử dụng, triển khai dự án, không được chậm quá 24 tháng so với tiến độ ghi trong giấy chứng nhận đầu tư. Nếu có nhu cầu gia hạn thời gian, người sử dụng đất được Nhà nước gia hạn 24 tháng nhưng phải nộp khoản tiền tương ứng với mức sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ này. “Nếu hết thời hạn được gia hạn mà người sử dụng đất vẫn chưa đưa vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất …”, ông Linh nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Thái Sinh, Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất tỉnh, trong 9 khu đất đã đấu giá thành công, mới chỉ có 4 khu đất đã được san lấp mặt bằng triển khai dự án; 5 khu đất còn lại chưa triển khai. Năm 2020, tỉnh BR-VT tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất 22 khu đất, hầu hết đều có vị trí đắc địa, “đất vàng”. Do đó, ông Nguyễn Thái Sinh cho rằng, việc bán đấu giá đất công không chỉ là để bổ sung nguồn thu ngân sách mà còn phải bảo đảm đất đai được sử dụng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Từ kế hoạch của Sở TN-MT, một số địa phương đã có giải pháp để khai thác hiệu quả đất công sau khi đấu giá. Tại TP. Vũng Tàu, ông Vũ Hồng Thuấn, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu cho biết, về khai thác quỹ đất công trong đô thị, sau khi các cơ quan hành chính của tỉnh chuyển về TP. Bà Rịa, quỹ đất của các cơ quan hành chính di dời này có 5 cụm với diện tích khoảng 24ha tại các vị trí trung tâm của thành phố. Quỹ đất này sẽ được chuyển đổi cho các mục đích công cộng, thương mại dịch vụ du lịch hoặc cây xanh. Các khu vực này đã được nghiên cứu điều chỉnh để khai thác hiệu quả quỹ đất, phát huy nguồn lực từ đấu giá đất để đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Một số khu vực khai thác kết hợp với bảo tồn các giá trị lịch sử. Cụ thể: Cụm 1, 2 ở trung tâm thành phố và gắn với các biệt thự do người Pháp để lại sẽ tiếp tục được gìn giữ và phát huy giá trị; cụm 3 được quy hoạch thành một trung tâm giáo dục hiện đại; cụm 4 nằm giữa các khu thương mại sẽ được định hướng với chức năng hỗn hợp nhà ở và thương mại; cụm 5 sát Bãi Trước được định hướng thành cụm công trình hỗn hợp ở và thương mại cao tầng hiện đại.
Sau khi có quyết định công nhận trúng đấu giá, người trúng đấu giá phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá vào Kho bạc Nhà nước. Đợt 1, nộp 50% theo thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá. Đợt 2, nộp 50% số tiền còn lại trong thời hạn hai tháng. Nếu không nộp đủ số tiền theo đúng thời hạn trên, tỉnh sẽ hủy kết quả trúng đấu giá. Số tiền đặt trước để tham gia đấu giá sẽ nộp vào ngân sách. Ngoài ra, 5 ngày sau khi có kết quả trúng đấu giá, cơ quan thuế cũng sẽ ban hành quyết định về số tiền thuế sử dụng đất phải nộp, thời hạn cũng không quá 3 tháng…
Bài, ảnh: QUANG VŨ