Xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh như vậy khi chủ trì hội nghị tháo gỡ khó khăn trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội 8 tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, diễn ra tại BR-VT vào ngày 30/5. Thủ tướng nhấn mạnh: Kiến tạo Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như một “bát giác kim cương”, trở thành siêu đô thị trong tương lai “là đòi hỏi thực tiễn, là mệnh lệnh lịch sử”. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các địa phương đoàn kết, cùng phát triển. Chính phủ sẽ trao cơ chế đặc thù để bảo đảm vùng phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.
ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG, THÚC ĐẨY LIÊN KẾT VÙNG
Dẫn dắt, khơi gợi chủ đề cho hội nghị, đề cập đến hệ thống giao thông như yếu tố quan trọng nhất trong liên kết vùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, các tỉnh, thành vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đóng góp đến 43% GDP của cả nước. Nhưng để phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương nói riêng, tăng liên kết vùng nói chung, cần phải tiếp tục hoàn thiện các dự án giao thông kết nối, cả nội vùng và ngoại vùng.
Từ gợi ý của Thủ tướng, Chủ tịch UBND tỉnh BR-VT Nguyễn Văn Thọ đã báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết để sớm hoàn thành những dự án giao thông quan trọng, kết nối cụm cảng Cái Mép - Thị Vải (CM-TV) với các tỉnh trong vùng và với các tỉnh Tây Nam bộ. Cụ thể là dự án cầu Phước An kết nối với Tây Nam bộ thông qua cao tốc Bến Lức - Long Thành, dự án đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu… Đây là 3 dự án giao thông kết nối sau cảng và kết nối vùng quan trọng của BR-VT với các tỉnh khu vực phía Nam.
Trong tương lai, đây sẽ là vùng kinh tế trọng điểm của các vùng kinh tế trọng điểm. Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng. Chúng ta chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Nhấn mạnh về tầm quan trọng của các dự án này, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nói: Cầu Phước An chưa được đầu tư nên toàn bộ hàng hóa vận chuyển đường bộ từ hệ thống cảng CM-TV đi các tỉnh lân cận (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An...) phải qua Quốc lộ 51, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông và kéo dài lộ trình vận chuyển khoảng 20km. Điều này làm tăng chi phí vận chuyển, mất thời gian cho DN, làm hạn chế năng lực cạnh tranh của hệ thống cảng CM-TV với các cảng trên thế giới. Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống cảng CM-TV, việc đầu tư xây dựng cầu Phước An là rất cấp thiết, để kết nối hạ tầng đồng bộ hệ thống cảng biển nhóm 5 với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng như các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ.
Để sớm triển khai dự án đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, lãnh đạo tỉnh BR-VT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ GT-VT xem xét giao UBND tỉnh BR-VT là cơ quan nhà nước có thẩm quyền ký kết và thực hiện hợp đồng dự án với chiều dài 46,8km (đoạn qua địa phận tỉnh Đồng Nai dài 34,8km) và đoạn qua tỉnh BR-VT dài 12km (bao gồm 3,2km đường cao tốc và 8,8 km đoạn nhánh kết nối vào cảng Cái Mép) theo hình thức đối tác công tư (PPP); giao UBND tỉnh BR-VT là cơ quan quyết định đầu tư dự án thành phần số 2 đoạn Phú Mỹ - Vũng Tàu (dài 30km, quy mô 4 làn xe) tổ chức triển khai dự án theo quy định.
Về dự án tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ GT-VT, muốn phát triển cụm cảng CM-TV thì trong tương lai không thể không có tuyến đường sắt để vận chuyển hàng hóa, container đến cảng CM-TV; kết nối với tuyên đường sắt quốc gia hình thành hệ thống kết nối vận tải đa phương thức, tăng sức cạnh tranh trong việc vận chuyển hàng hóa của thị trường Việt Nam với quốc tế.
BR-VT và các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam luôn nhận thức sâu sắc rằng, sự chia sẻ, hợp tác để cùng phát triển là tất yếu và là đòi hỏi cấp thiết để bảo đảm phát triển bền vững
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh
Lãnh đạo tỉnh BR-VT cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GT-VT xem xét sớm nghiên cứu dự án tuyến đường sắt kết nối CM-TV. Đồng thời, kiến nghị Bộ GT-VT bổ sung tuyến đường sắt kết nối từ Tây Ninh, Bình Phước qua Bình Dương, Đồng Nai vào tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu để vận chuyển hàng hóa ra khu vực cảng CM-TV.
Cùng quan điểm, ông Cao Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất, cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai TP.Hồ Chí Minh, hệ thống cảng logistics: dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành (điểm kết thúc tại nút giao với đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu), Dầu Giây - Liên Khương, Phan Thiết - Dầu Giây, mở rộng tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Vành đai 3, Vành đai 4...Trong đó, dự án Bến Lức - Long Thành sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông trên Quốc lộ 51 và rút ngắn thời gian đi từ Long An đến TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, BR-VT.
Tại hội nghị, các tỉnh thành khác trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cũng đã kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, nhất là tuyến đường cao tốc, phát triển các khu công nghiệp. Đồng thời kiến nghị Trung ương xem xét hỗ trợ ngân sách để đầu tư hạ tầng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
THỂ HIỆN TƯ DUY ĐOÀN KẾT CÙNG PHÁT TRIỂN
Trước đề xuất của lãnh đạo các địa phương, Bộ trưởng GT-VT Nguyễn Văn Thể cho rằng, TP. Hồ Chí Minh, BR-VT, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, Tây Ninh, Bình Phước và Tiền Giang không những đóng góp lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn cho cả nước. Để phát triển được như vậy là nhờ phát triển hạ tầng tốt không chỉ là đường bộ mà còn có hàng không, cảng biển. Do đó, Bộ GT-VT đồng tình với ý kiến đề xuất của 8 tỉnh, thành liên quan đến kết nối giao thông vùng. Tuy nhiên, nguồn lực quốc gia có hạn, ngân sách khó khăn nên để đẩy nhanh các tuyến kết nối, các địa phương có thể chủ động, huy động các nguồn vốn khác để sớm triển khai dự án. Vì thực tế cho thấy, các dự án giao thông nếu trông chờ ngân sách Trung ương thì sẽ khó tạo ra đột phá trong thời gian ngắn, khó hình thành được các dự án lớn. Do đó, cần khuyến khích đầu tư theo hình thức PPP.
Ở khu vực trọng điểm phía Nam, khi có một con đường, một bến cảng, một sân bay thì hiệu quả mang lại là ngay lập tức
Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể
Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng trọng điểm của các vùng trọng điểm, xét về quy mô và đóng góp của vùng và trong tương lai gần sẽ là vùng siêu đô thị của khu vực Đông Nam Á nên cần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ để phát triển. Do đó, Thủ tướng cho biết sẽ xây dựng cơ chế đặc thù cho vùng, bao gồm cả ngân sách để kích thích cơ chế hoạt động. Đồng thời hỗ trợ để các địa phương sớm đầu tư hạ tầng giao thông kết nối quan trọng.
Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan nghiên cứu gói hỗ trợ đầu tư để các địa phương trong vùng đầu tư giao thông kết nối, điều chỉnh bổ sung quy hoạch KCN của vùng để thu hút, đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài; đề xuất giải pháp để các tổ chức tín dụng tham gia các gói đầu tư giao thông; nghiên cứu, điều chỉnh ngay quy hoạch sử dụng đất để dành đất cho khu đô thị và KCN; nghiên cứu đề xuất lập đề án giao thông kết nối với các KCN, bến bãi, logistics, trong khu vực để tạo động lực phát triển. Riêng đối với dự án cầu Phước An, Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo 2 địa phương BR-VT và Đồng Nai phối hợp tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc, trình Thủ tướng xem xét giải quyết.
Thủ tướng cũng yêu cầu các địa phương dành quỹ đất phù hợp để phát triển, không làm theo kiểu “trăm hoa đua nở”. Muốn làm được điều này, các địa phương phải đoàn kết, cùng phát triển.
NHÓM PV THỜI SỰ