Đài Loan được xem là thị trường đầu tư nhiều triển vọng của tỉnh trong những năm gần đây. Riêng năm 2014, qua các đợt xúc tiến đầu tư đã có nhiều tập đoàn, DN lớn tại Đài Loan mong muốn được triển khai các án lớn tại BR-VT.Cuối tháng 7-2014, UBND tỉnh BR-VT đã tổ chức đoàn xúc tiến đầu tư tại Đài Loan. Trong đợt xúc tiến đầu tư, 3 cuộc hội thảo được tổ chức tại các thành phố Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng, đã có 162 nhà đầu tư của Đài Loan tham dự. Với tiềm năng, lợi thế cũng như sự quan tâm xây dựng hoàn thiện hạ tầng các KCN, CCN, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh thời gian qua, đã có nhiều tập đoàn, DN tại Đài Loan đẩy mạnh việc tìm hiểu cơ hội đầu tư vào BR-VT. Qua đợt xúc tiến đã có 5 nhà đầu tư hoạt động trong các lĩnh vực y tế, sản xuất giấy, thu hồi kẽm, đóng mới du thuyền và dịch vụ xây dựng công nghiệp mong muốn đầu tư tại tỉnh. Đặc biệt, Tập đoàn Cheng Loong – Tập đoàn sản xuất bao bì giấy lớn thứ tư tại khu vực Đông Nam Á đã đề xuất được đầu tư dự án nhà máy sản xuất bao bì giấy tại BR-VT. Theo ông Tong Ho Tsai, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cheng Loong, hiện Tập đoàn này đang có 29 nhà máy sản xuất bao bì giấy trên thế giới, trong đó có 2 nhà máy tại Việt Nam. Hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi, tập đoàn này đã triển khai kế hoạch đầu tư dự án nhà máy sản xuất giấy công nghiệp và giấy gia đình với công suất 1 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD và 1 nhà máy điện sử dụng công nghệ lò hơi sử dụng năng lượng sinh khối từ than tại BR-VT. Đề xuất này của Tập đoàn Cheng Loong cũng nhận được sự nhất trí cao của tỉnh, trong đó có sự cam kết tạo điều kiện thuận lợi về các chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư, cơ sở hạ tầng… để dự án sớm được triển khai.
Mới đây, Tập đoàn Taiwan Steel Union, Feng Hsin Steel và CHC Resources của Đài Loan đã làm việc với lãnh đạo tỉnh, Ban Quản lý các KCN tỉnh nhằm tìm hiểu cơ hội đầu tư nhà máy thu hồi oxit kẽm từ bụi lò thép. Ông Mark Lin, Chủ tịch HĐQT Công ty Feng Hsin Steel và Taiwan Steel Union cho biết, qua khảo sát tình hình thực tế tại BR-VT cần có 1 nhà máy xử lý chất thải với công nghệ cao để khắc phục tình trạng ô nhiễm bụi thép ở các nhà máy đang sản xuất tại địa phương. Với công nghệ Waelz Kiln của Đức, Tập đoàn Taiwan Steel hứa sẽ giúp tỉnh giải quyết tình trạng bụi thép như là nguồn nguyên liệu để sản xuất oxit kẽm. Nếu được cấp phép đầu tư, Tập đoàn Taiwan Steel sẽ đầu tư khoảng 70 triệu USD xây dựng một nhà máy sản xuất oxit kẽm tốt nhất Châu Á tại KCN Phú Mỹ 1 (huyện Tân Thành). Dự án này có công suất 100.000 tấn/năm, nhu cầu sử dụng đất là 15 ha, sử dụng công nghệ lò quay Waelz Kiln của Đức, tái chế 100% bụi thép thành các sản phẩm có ích (oxit kẽm, oxit sắt, vật liệu xây dựng). Công nghệ này phù hợp đối với loại bụi thép phát sinh từ luyện thép carbon bằng lò điện hồ quang. Công nghệ của dự án xử lý triệt để Dioxins có trong bụi thép bằng thiết bị khử Dioxins được lắp đặt tại hệ thống xử lý khí thải lò quay Waelz Kiln.
Theo các nhà đầu tư Đài Loan, với những cơ hội lớn từ các chính sách ưu đãi về đầu tư như chi phí đất đai, lao động thấp, ưu đãi về thuế quan, tiềm năng thị trường lớn nên họ đã có chiến lược đầu tư mạnh vào Việt Nam trong thời gian qua. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu là gia công chế biến và sản xuất chế tạo. Trong đó có các ngành dệt may, công nghiệp da giày, mộc gia dụng chiếm tỷ trọng cao. Số liệu của Bộ KHĐT cũng cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2014, đã có 38 dự án FDI của Đài Loan được cấp mới với tổng vốn đăng ký gần 406 triệu USD. Hiện nay, Đài Loan là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam. Riêng tại BR-VT, đến nay Đài Loan đã có 25 dự án với tổng vốn đầu tư 1,9 tỷ USD.
LAM GIANG
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 15/09/2014