Nhiều DN phản ánh, để đầu tư một dự án vào BR-VT, họ phải mất rất nhiều thời gian. Điều này khiến cho DN mất cơ hội đầu tư, còn về phía tỉnh thì bị mất lợi thế so sánh. Để cải thiện môi trường đầu tư, đồng thời tạo điều kiện cho DN nhanh chóng đi vào hoạt động, tỉnh đang quyết tâm rút ngắn thời gian cấp phép xuống 15 ngày thay vì phải mất thời gian hàng tháng như trước.
|
Sản xuất thép tấm lá tại Công ty TNHH cơ khí thép SMC (KCN Phú Mỹ I, huyện Tân Thành). |
MẤT CƠ HỘI ĐẦU TƯ VÌ THỜI GIAN KÉO DÀI
Theo phản ánh của các DN, muốn đầu tư một dự án vào BR-VT, họ mất rất nhiều thời gian. Các quy trình thủ tục đầu tư phải trải qua các bước cơ bản như: Tìm hiểu môi trường đầu tư, thỏa thuận địa điểm giá thuê mặt bằng, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép xây dựng, các thủ tục về bảo vệ môi trường… Các thủ tục này phải thông qua nhiều sở, ban, ngành, địa phương có liên quan.
|
Thời gian cấp phép các dự án kéo dài, làm BR-VT mất cơ hội thu hút đầu tư , tỷ lệ lấp đầy các KCN đạt thấp. Trong ảnh: Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ (KCN Phú Mỹ 1, huyện Tân Thành). Ảnh: HOÀNG NGÂN |
Ông Võ Tuấn Cường, Chủ dự án KCN Mỹ Xuân B1 Tiến Hùng (Công ty TTHH Tiến Hùng) phản ánh: Sau hơn 13 năm kể từ ngày đầu bắt tay đầu tư hạ tầng KCN, công ty đã tiếp xúc với nhiều nhà đầu tư. Điều họ ngại nhất là làm các thủ tục hành chính. Vừa rồi, có nhà đầu tư Hàn Quốc đã chuyển tiền đặt cọc cho Công ty để đầu tư dự án thứ cấp, nhưng sau đó họ đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi vì các thủ tục quá lâu. Không riêng gì nhà đầu tư Hàn Quốc, mà trong thời gian qua, công ty đã mất cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư khác đến từ các nước Nhật Bản, Đài Loan…“Rút ngắn thời gian cấp giấy phép đầu tư là việc sống còn của các KCN, vì thế, chúng tôi mong muốn tỉnh có các giải pháp làm sao để thời gian cấp giấy phép đầu tư chỉ còn từ 7-10 ngày để tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi thu hút các nhà đầu tư thứ cấp”, ông Cường nói.
Phản ánh về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP KCN Tín Nghĩa - Phương Đông, chủ đầu tư KCN Đất Đỏ 1 cũng cho rằng, thực tế, một dự án phải mất từ 6 tháng đến 1 năm, nhưng nhà đầu tư vẫn không biết chắc có được chấp thuận đầu tư hay không, dù dự án thuộc danh mục những ngành nghề được thu hút tại KCN. Trong khi đó, tại Đồng Nai và Bình Dương chỉ 2,5 tháng, thậm chí có những dự án chỉ mất 1-2 tuần là hoàn thành.
Nhiều chủ đầu tư khác như: Công ty CP Đầu tư Thanh Bình - Phú Mỹ, KCN Châu Đức, KCN Phú Mỹ II… cũng phàn nàn, chính sự chậm trễ trong việc thực hiện thủ tục cấp phép đầu tư khiến DN mất cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư thứ cấp.
|
Công nhân Nhà máy xay lúa mì Việt Nam (KCN Mỹ Xuân A2, huyện Tân Thành) đóng gói bột mì thành phẩm. |
CẤP PHÉP CHỈ TRONG VÒNG 2 TUẦN
Việc kéo dài thời gian cấp phép đầu tư không chỉ làm mất cơ hội hợp tác trong kinh doanh của các DN mà còn ảnh hưởng đến môi trường thu hút đầu tư của tỉnh. Do đó, trong các cuộc họp bàn về chính sách thu hút đầu tư, lãnh đạo tỉnh đều nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu để cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện cho các DN nhanh chóng đi vào hoạt động là phải rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư.
Đồng chí Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, hiện nay, tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương… việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chỉ trong vòng một, vài tuần lễ, trong khi đó BR-VT kéo dài hơn một tháng, như vậy là quá dài. Do đó, các sở, ngành, địa phương phải tăng cường cải cách hành chính. Trong thời gian tới, Văn phòng UBND tỉnh cần làm việc trực tiếp với các sở, ngành để tìm hiểu vì sao hồ sơ của DN chậm, ách tắc ở khâu nào, báo cáo UBND tỉnh để kịp thời xử lý.
Tại cuộc họp bàn về Dự thảo rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh diễn ra vào ngày 14-9 vừa qua, Sở KH-ĐT đề xuất rút ngắn thời gian cấp phép đầu tư còn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ dự án đầu tư, thay vì tối đa 35 ngày làm việc theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Đề xuất này đã được đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tiếp tục rà soát quy trình, thủ tục đầu tư theo hướng nghiên cứu rút ngắn thời gian thực hiện, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, đảm bảo quy trình chặt chẽ, gửi ý kiến đóng góp về Sở KH- ĐT để tổng hợp, bổ sung, hoàn chỉnh Dự thảo về rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.
Theo ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH-ĐT, để rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Sở KH-ĐT đề nghị nhà đầu tư khi nộp hồ sơ dự án tại bộ phận “một cửa”, thì đồng thời gửi hồ sơ điện tử. Sở KH-ĐT sẽ chuyển (qua email) bộ hồ sơ này đến các sở, ngành có liên quan để xem xét, cho ý kiến. Trong 1 tuần, các sở, ngành liên quan phản hồi ý kiến về Sở KH-ĐT. Sau đó, Sở KH-ĐT sẽ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh để tổ chức cuộc họp cho ý kiến về dự án. |
Bài, ảnh: PHAN HÀ - TRÀ NGÂN
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 17/09/2017
|