BR-VT có 5 nhà máy thép đang hoạt động, tổng công suất 3,25 triệu tấn phôi/năm. Mỗi ngày các nhà máy thép trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 800 tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế. Dự kiến, năm 2015 thêm 2 nhà máy luyện thép đi vào hoạt động, nâng tổng công suất lên 4,75 triệu tấn phôi thép/năm. Với số lượng nhà máy thép và sản lượng phôi thép chiếm đến 65% cả nước, ngành luyện thép trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực vào tốc độ phát triển kinh tế của tỉnh.
Tuy nhiên, ngành luyện thép cũng đang gây ra những tác động xấu đến môi trường do nguồn chất thải phát sinh rất lớn cũng như tiêu tốn nhiều năng lượng. Thời gian qua là do các chủ đầu tư chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với chủ nguồn thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Tại buổi tiếp ông Nakajima Satoshi, Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh về việc đầu tư sản xuất kinh doanh sắt, thép tại BR-VT, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, BR-VT đang hướng đến sự phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Sắp tới, BR-VT sẽ cấp phép 2 nhà máy xử lý bụi lò và xỉ thép để giải quyết vấn đề môi trường từ hoạt động luyện thép.
Được biết, những năm gần đây, BR-VT luôn đứng tốp đầu về thu hút đầu tư cả nước. Hiện nay, tỉnh có gần 300 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 27 tỷ USD, hơn 422 dự án đầu tư trong nước với số vốn đăng ký hơn 233 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, với chính sách kinh tế xanh, những năm gần đây BR-VT không lấy quy mô vốn đầu tư trên từng dự án làm chỉ tiêu mà những tiêu chí về công nghệ, môi trường là những yếu tố quyết định việc chọn nhà đầu tư, chọn dự án. Vì vậy, ngoài lĩnh vực thép, Chỉ thị 43 cũng nêu rõ quan điểm của tỉnh là không thu hút 7 loại hình dự án, bao gồm: Chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm; thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá. Chỉ thị cũng yêu cầu hạn chế đầu tư các dự án: công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật; sản xuất da giày, may mặc; dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp, có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2; dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu…
Chính sách trên của BR-VT là nhằm đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, năng lượng. Theo ông Nguyễn Văn Trình, hướng tới một nền kinh tế xanh, sử dụng công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường vừa là yêu cầu bức thiết, vừa là mục tiêu tất yếu của sự phát triển. Những thay đổi trong nhận thức, đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền, mà trực tiếp là những người hoạch định chính sách tại địa phương sẽ là tiền đề quan trọng để ngành kinh tế BR-VT có bước đột phá.
QUANG VŨ
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 05/10/2014