Theo các DN, sự kiện Hiệp định thương mại TPP giữa Việt Nam và 11 nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ được ký kết vào đầu năm 2014 sẽ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước thành viên tham gia TPP. Với sự tham gia của các nền kinh tế lớn trên thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc...), TPP trở thành khu vực kinh tế hơn 790 triệu dân, đóng góp 40% GDP và chiếm 1/3 thương mại toàn cầu. “Khi các dòng thuế giảm xuống, Việt Nam có thể gia tăng xuất khẩu quần áo, giày dép và nhiều mặt hàng khác vốn là thế mạnh của mình vào các thị trường lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ. Đây thực sự là một tín hiệu rất tốt cho việc tăng trưởng sản lượng hàng từ cụm cảng nước sâu Cái Mép - Thị Vải sang thị trường Hoa Kỳ”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển nhận định.
Cùng với việc ký hiệp định thương mại TPP, việc thành lập cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean Economic Community - AEC) vào năm 2015 sẽ là một bước ngoặt đánh dấu sự hòa nhập toàn diện các nền kinh tế Đông Nam Á, là một yếu tố quan trọng đóng góp vào việc tăng trưởng lượng hàng trung chuyển qua cụm cảng Cái Mép - Thị Vải. AEC sẽ hòa trộn nền kinh tế của 10 quốc gia thành viên thành một khối sản xuất, thương mại và đầu tư, tạo ra thị trường chung của một khu vực có dân số 600 triệu người, với tổng GDP hàng năm khoảng 2.000 tỷ USD. Ông Phạm Anh Tuấn cho biết thêm: “AEC sẽ thành một thị trường chung, AEC thực hiện tự do luân chuyển 5 yếu tố cơ bản: vốn liếng, hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và lao động ngành nghề. Thuế nhập khẩu sản phẩm dịch vụ từ các nước thành viên sẽ giảm về 0%, khi đó cụm cảng Cái Mép - Thị Vải có thể thu hút khối lượng hàng lớn từ các nước ASEAN trung chuyển hàng tại Cái Mép - Thị Vải”.
Trên thực tế, hiện cụm cảng Cái Mép - Thị Vải đã thực hiện trung chuyển hàng hóa từ các nước Đông Nam Á, đặc biệt là hàng từ Campuchia và lượng hàng này tăng đều theo hàng năm, riêng năm 2013 đạt khoảng 100.000 TEUs. Dự báo khối lượng hàng trung chuyển từ thị trường Campuchia tăng khoảng 50%/năm. Nguyên nhân là do hiện nay, Campuchia đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực may mặc, giày dép và các sản phẩm nông nghiệp.
Bắt đầu từ năm 2014, Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (TCSG) là nhà thầu khai thác cảng container quốc tế Cái Mép. Đây là nhà khai thác cảng lớn nhất Việt Nam gồm các cảng: Tân Cảng - Cát Lái, Tân Cảng - Miền Trung, Tân Cảng - 189 Hải Phòng, Tân Cảng - 128 Hải Phòng, Tân Cảng - Sa Đéc, Tân Cảng - Cao Lãnh và Tân Cảng - Cái Mép. Trong năm 2013, tổng sản lượng container xếp dỡ tại tất cả các cảng thuộc Tổng Công ty TCSG tại Việt Nam đạt gần 3,9 triệu TEUs, chiếm gần 50% thị phần container của cả nước. Riêng tại khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cảng Tân Cảng - Cát Lái đạt sản lượng gần 3,2 triệu container xuất nhập khẩu thông qua cảng, chiếm 85,6% thị phần container xuất nhập khẩu các cảng khu vực TP. Hồ Chí Minh. Với lợi thế nằm tại khu vực hạ lưu, trang thiết bị cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ cùng với hệ thống kết nối và uy tín thương hiệu của Tổng Công ty TCSG, cảng container quốc tế Cái Mép có nhiều tiềm năng và lợi thế thu hút tàu và hàng hóa về Cái Mép - Thị Vải.
Hoạt động cảng biển nước sâu trên địa bàn tỉnh cũng đã có dấu hiệu hồi phục. Theo đó, lượng hàng qua hệ thống cảng biển của tỉnh năm 2013 đạt 50,4 triệu tấn đạt chỉ tiêu đề ra, trong đó lượng hàng container xuất nhập khẩu phục hồi nhẹ (7,64/7,58 triệu tấn). Một số cảng ở khu vực Cái Mép - Thị Vải đã tăng tuyến dịch vụ, trong đó có cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) đã tăng thêm 2 tuyến dịch vụ đi đến bờ Đông nước Mỹ và nội Á. Đây được xem là một tín hiệu tốt cho thấy lượng hàng sẽ tăng lên, tăng lựa chọn để khách hàng xuất hàng đi Mỹ và các nước châu Á.
Bài, ảnh: THÀNH HUY
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 07/01/2014