Cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp logistics tại Việt Nam nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng đang trong quá trình phát triển. Định hướng phát triển cơ sở hạ tầng toàn diện về cả đường bộ, đường thủy, đường sắt và hàng không để phát triển phương án vận chuyển đa phương thức trong những năm tới đối với các hệ thống logistic có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã được hình thành.
|
Phần cứng của chuỗi dịch vụ logistics đang hoàn thiện, trong đó có hệ thống cảng nước sâu được đầu tư với quy mô hiện đại. Trong ảnh: Cầu cảng container Cái Mép có thể tiếp nhận tàu có tải trọng 100.000 tấn mới vừa khánh thành.
|
Trong tương lai không xa dịch vụ logistics sẽ trở thành một ngành kinh tế quan trọng đóng góp rất lớn cho GDP tại Việt Nam, trong đó có tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Song hành cùng sự phát triển kinh tế và đầu tư xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng Cái Mép – Thị Vải, dịch vụ logistics sẽ là ngành kinh tế phát triển mạnh và đảm nhận nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống cảng biển trong những năm tới.
Hiện nay, hệ thống cảng vẫn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng và đã đưa vào khai thác 26 dự án cảng biển, công suất khoảng 76,5 triệu tấn/năm. Đồng thời tiếp tục triển khai xây dựng 9 dự án và chuẩn bị đầu tư 18 dự án cảng khác. Để phát triển dịch vụ cảng và dịch vụ logistics, Bà Rịa - Vũng Tàu đã dành riêng quỹ đất khoảng 800ha tại khu vực Cái Mép, dự kiến sẽ đầu tư một Trung tâm dịch vụ logistics mang tầm quốc tế, phục vụ và kết nối với các trung tâm logistics trong khu vực Đông Nam Á. Đồng thời quy hoạch phát triển 26 dự án cảng thủy nội địa, dịch vụ kho bãi,… với tổng diện tích đất gần 1.100ha. Tính chung, tổng diện tích đất quy hoạch dành cho phát triển dịch vụ logistics khoảng 2.000ha và sẽ tiếp tục xem xét mở rộng thêm tại những vị trí thuận lợi, tuỳ theo nhu cầu phát triển trong tương lai. Đặc biệt, tỉnh đang hoàn thiện đề án phát triển dịch vụ logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2011-2020.
Để phát triển hệ thống logistic, cần tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, trong đó cơ sở hạ tầng giao thông vận tải là then chốt. Ông Vũ Ngọc Thảo, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải đưa ra một số vấn đề cần thực hiện ngay như: phấn đấu đến năm 2020, xây dựng hoàn thiện hệ thống cảng biển Thị Vải – Vũng Tàu theo quy hoạch tổng thể cụm cảng Cái Mép, Sao Mai – Bến Đình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; ưu tiên triển khai đầu tư các dự án hạ tầng giao thông thiết yếu nhằm tạo sự kết nối đồng bộ giữa hệ thống cảng với các tuyến quốc lộ, các trục đường chính đến các trung tâm, các nguồn hàng trong khu vực; khẩn trương hoàn thiện việc mở rộng tuyến Quốc lộ 51, tuyến đường 965, tuyến liên cảng Cái Mép – Thị Vải, đồng thời sớm đầu tư đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Vũng Tàu có tuyến ngang nối vào khu cảng Cái Mép – Thị Vải, đầu tư tuyến đường Phước Hòa – Cái Mép, đường 991B và đường vành đai 4 nối khu cảng Cái Mép với các trung tâm của vùng TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, cần triển khai tuyến đường sắt TP. Hồ Chí Minh – Biên Hòa – Vũng Tàu có bố trí ga chính tại khu vực cảng Cái Mép; sớm đầu tư sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Gò Găng; nạo vét chỉnh trị luồng Thị Vải – Cái Mép đoạn luồng còn lại từ Cảng thép miền Nam đến cảng Gò Dầu C để bảo đảm khả năng khai thác của các dự án khu vực thượng lưu theo quy hoạch được duyệt.
Để làm trọn vẹn cả chuỗi logistics khép kín cần rất nhiều thời gian, trong đó trước mắt phải hoàn thiện hạ tầng phần cứng là hệ thống cảng biển, vận tải đường không, bộ và đường sắt. Đi đôi là vấn đề hạ tầng phần mềm, đó là sử dụng công nghệ thông tin trong quản trị điều hành, cung cấp thông tin, giao dịch điện tử quản lý hoạt động Logistics. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, Việt Nam nói chung và Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng sẽ hoàn thiện và có một hệ thống logistics quy mô đủ đáp ứng nhu cầu đòi hỏi.
THÀNH HUY
Nguồn tin: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu, ngày 03/05/2013
|