Các chuyên gia về lĩnh vực cảng biển cho rằng, ngay từ bây giờ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cần có kế hoạch, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực để theo kịp sự phát triển về cảng biển của địa phương, đồng thời khai thông những nguồn đào tạo và cung ứng lao động có chất lượng cao cho thị trường.
HIỆN TRẠNG ĐÀO TẠO NGÀNH LOGISTICS
Tiến sĩ Mai Xuân Thiệu, Viện trưởng Viện logistics Việt Nam cho biết, đến thời điểm này, Việt Nam chưa có trường đại học nào có chuyên khoa logistics. Ở các trường đại học, đào tạo về logistics và quản lý chuỗi cung ứng chỉ là một phần trong các chương trình thuộc các khoa kinh tế vận tải, nghiệp vụ ngoại thương, thương mại và du lịch,... Thời gian qua, một số hiệp hội và các nhóm doanh nghiệp tổ chức đào tạo ngắn hạn về logistics theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài hay các giảng viên tự do, nhưng đối tượng tham gia các lớp học chủ yếu là người trong ngành.
Do chưa có hệ thống đào tạo chuyên ngành nên các cơ sở đào tạo chưa có đội ngũ cán bộ giảng dạy về logistics có kiến thức chuyên môn sâu và giàu kinh nghiệm thực tế; Chưa có hệ thống chuẩn kỹ năng làm cơ sở cho việc thiết kế các chương trình đào tạo và giáo trình cho các vị trí công việc trong ngành logistics. Nhìn chung, có một khoảng trống rất lớn giữa những đòi hỏi của nền kinh tế đang phát triển theo hướng hội nhập quốc tế so với khả năng đào tạo, huấn luyện hiện tại về logistics.
Tiến sĩ Nguyễn Tương, chuyên gia Bộ Giao thông – Vận tải nhận xét, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hoạt động logistics là rất cần thiết trong việc phát triển kinh tế biển. Thế nhưng, hiện nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đang gặp phải một thách thức không nhỏ về nguồn nhân lực. Nguồn nhân lực phục vụ ngành logistics tại tỉnh còn thiếu trầm trọng và chưa đồng bộ. Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang rất hiếm cử nhân chuyên ngành logistics, quản trị chuỗi cung ứng.
CHIẾN LƯỢC ĐÀO TẠO LÂU DÀI
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại Singapore, Tiến sĩ Nguyễn Tương cho biết, kinh nghiệm ưu tiên đầu tư đào tạo nguồn nhân lực cho ngành dịch vụ logistics của Singapore đã đem lại hiệu quả lớn cho sự phát triển logistics, đó là sự thành công vượt bậc của các cảng biển, cảng hàng không... có chất lượng dịch vụ logistics hàng đầu thế giới. Từ thực tế đó cho thấy, cùng với việc nâng cao năng lực, mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp cung cấp logistics, Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Chương trình đào tạo bao gồm: bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ quản lý nhà nước, đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành cũng như nhân viên các doanh nghiệp để có hiểu biết cơ bản về logistics, nghiệp vụ và luật lệ quốc tế và Việt Nam về ngành dịch vụ logistics rộng lớn. Để thực hiện tốt chương trình đào tạo, Bà Rịa – Vũng Tàu và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ của địa phương có thể yêu cầu Hiệp hội Giao nhận vận tải Việt Nam (VIFFAS), Hiệp hội cảng biển Việt Nam (VPA)... giúp đỡ trong công tác đào tạo nghiệp vụ và cung cấp thông tin liên quan.
Tiến sĩ Jan Tomczyk, chuyên gia cao cấp Dự án hỗ trợ thương mại đa biên III cho rằng, để đào tạo nhân lực logistics cho cả hai khối chính phủ và tư nhân, tham gia vào các hiệp hội, tổ chức như WCO về hải quan, FIATA về giao nhận, UNCTAD và UNECE về thuận lợi hóa thương mại, CILT về giáo dục và đào tạo nghề vận tải và logistics cần có sự phối hợp giữa doanh nghiệp và Nhà nước trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực.
Còn Tiến sĩ Aloysius Lim, chuyên gia tư vấn logistics và tàu biển Singapore cho rằng, ngoài việc có một chiến lược đào tạo bài bản, trước mắt BR-VT cần nâng cao kiến thức và chuyên môn của nhân viên hàng hải địa phương thông qua các chương trình đào tạo. Ví dụ như mở các khóa ngoại khóa ngắn hạn, qua đó doanh nghiệp hàng hải có thể gửi nhân viên tham dự chương trình đào tạo đồng thời hỗ trợ cho chi phí đào tạo.
Để đáp ứng yêu cầu khách quan của sự phát triển ngành logistics hiện nay, nhất là yêu cầu bức xúc của các doanh nghiệp ngành logistics, Hiệp hội giao nhận vận tải Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu và Phát triển logistics. Hiện tại, Viện đã hợp tác với Hội đồng cố vấn giáo dục và Đào tạo của Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận vận tải quốc tế (FIATA) để đào tạo chương trình FIATA Diploma về “Quản lý Giao nhận Vận tải Quốc tế” với chứng chỉ được công nhận trên toàn thế giới. Viện cũng tham gia trực tiếp trong Tiểu ban Giáo dục và Đào tạo của Hiệp hội Giao nhận các nước ASEAN (AFFA) để xây dựng chương trình đào tạo logistics chung cho các thành viên ASEAN.
Tin từ Báo Bà Rịa – Vũng Tàu.