Bảo vệ môi trường sông Thị Vải - Cần sự liên kết giữa các địa phương
Để bảo vệ môi trường sông Thị Vải, Bà Rịa-Vũng Tàu triển khai nhiều giải pháp và bước đầu đã kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm chính. Theo đó, hầu hết các KCN, nhà máy của tỉnh nằm ven sông Thị Vải xây dựng và vận hành hệ thống xử lý chất thải, nước thải sau xử lý thải ra sông đều bảo đảm đúng theo quy định. Tuy nhiên, để phục hồi môi trường sông Thị Vải thì việc Bà Rịa-Vũng Tàu làm tốt công tác bảo vệ môi trường vẫn chưa đủ mà cần sự hợp tác của tỉnh Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh.
ĐÃ KIỂM SOÁT ĐƯỢC NGUỒN THẢI VÀO SÔNG
Thanh tra môi trường của Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường lấy mẫu nước thải tại một nhà máy nằm trong KCN Mỹ Xuân A2
Bà Rịa - Vũng Tàu có 6 KCN đang hoạt động trên lưu vực sông Thị Vải (Mỹ Xuân A, Mỹ Xuân A2, Phú Mỹ I, Phú Mỹ II, Cái Mép và Mỹ Xuân B1-Conac) với tổng khối lượng nước thải phát sinh khoảng 11.000m3/ngày đêm. Trong 6 KCN này hiện đã có 2 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung là Mỹ Xuân A (công suất 4000m3/ngày đêm), Mỹ Xuân A2 (công suất giai đoạn 1 là 7.500m3/ngày đêm). KCN Phú Mỹ I cũng đang xây dựng và vận hành thử nhà máy xử lý nước thải tập trung công suất 2.500m3/ngày đêm. Nước thải của 77 dự án đang hoạt động trong 3 KCN này được thu gom và xử lý tại nhà máy xử lý tập trung trước khi thải ra môi trường, nước thải đạt Quy chuẩn môi trường Việt Nam. 3 KCN: Phú Mỹ II, Cái Mép và Mỹ Xuân B1-Conac (với 8 dự án đang hoạt động) đang hoàn tất thủ tục để đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung trong năm 2010. Riêng trong 8 dự án đang hoạt động tại các KCN này thì đã có 5 dự án có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra sông Thị Vải; 3 dự án còn lại chỉ phát sinh nước thải sinh hoạt.
“Nhìn chung, tình hình khắc phục ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất đang hoạt động trong 6 KCN trên lưu vực sông Thị Vải đã có chuyển biến tích cực. Sau quý III/2010, nước thải từ các KCN xả ra sông Thị Vải bảo đảm đạt Quy chuẩn về bảo vệ môi trường”- ông Lê Tân Cương, Giám đốc Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh cho biết. Công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường của cơ quan chức năng tại khu vực sông Thị Vải cũng được tiến hành. Theo ông Lê Tân Cương, để bảo vệ môi trường sông Thị Vải, từ năm 2009, các ngành chức năng của tỉnh đã phối hợp với Tổng cục Môi trường kiểm tra việc khắc phục ô nhiễm của 42 cơ sở sản xuất trong 6 KCN, các dự án có nguồn thải vào sông Thị Vải. Cùng với việc kiểm soát chặt chẽ nguồn thải vào sông Thị Vải, UBND tỉnh cũng đã hạn chế cấp phép mới và mở rộng dự án đối với các lĩnh vực nhạy cảm với môi trường như dệt-nhuộm, chế biến hóa chất cơ bản, thuộc da… Để theo dõi diễn biến chất lượng nước sông Thị Vải, Trung tâm phân tích và Quan trắc môi trường của tỉnh cũng đã tiến hành quan trắc hiện trạng môi trường mặt nước sông tại 7 vị trí (từ khu vực tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai đến hạ lưu sông Thị Vải) với tần suất 4 lần/năm. Kết quả quan trắc được theo dõi hàng năm để làm cơ sở phục vụ công tác quản lý cho UBND tỉnh.
CHUNG SỨC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SÔNG THỊ VẢI
Thanh tra môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra hệ thống xử lý nước thải của một doanh nghiệp tại KCN Mỹ Xuân A2 trước khi thải ra hệ thống xử lý tập trung của KCN
Sông Thị Vải đã bị ô nhiễm nghiêm trọng trong nhiều năm qua do nước thải từ hoạt động công nghiệp của TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong thời gian qua, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường sông Thị Vải, do đó tình trạng ô nhiễm của dòng sông này đã được cải thiện. Về phía trách nhiệm của mình, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai các dự án nhiệm vụ bảo vệ sông Thị Vải và bước đầu đã kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm chính cho sông. Tuy nhiên, theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, nước thải từ 5 khu công nghiệp (50 doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp) của hai huyện Long Thành và Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Nước thải chưa đạt tiêu chuẩn vẫn được xả ra sông, một số kim loại có độc tính cao như thủy ngân, cadinium trong lớp bùn đáy có tần suất xuất hiện khá cao tại các vị trí tiếp nhận nước xả từ các khu công nghiệp Nhơn Trạch 1, 2, 3, Gò Dầu (Đồng Nai)... Các chuyên gia môi trường của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng cảnh báo, hàm lượng dầu khoáng trong các mẫu bùn đáy sông Thị Vải khá lớn dù nước mặt đã được cải thiện. “Bảo vệ môi trường sông Thị Vải không chỉ là “chuyện riêng” của Bà Rịa-Vũng Tàu, do vậy rất cần phối hợp giữa 3 tỉnh, thành: Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh. Nếu không có sự phối hợp đồng bộ với nhau thì việc hồi sinh cho sông Thị Vải là khó có thể thực hiện được”- ông Bùi Cách Tuyến, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) khẳng định.
Theo ông Trần Ngọc Thới, Phó chủ tịch UBND tỉnh, để dòng Thị Vải “sống” lại, ngoài việc phối hợp của các địa phương có liên quan cần có sự hỗ trợ của Bộ Tài nguyên và Môi trường để triển khai các giải pháp theo đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai (sông Thị Vải nằm trong hệ thống lưu vực sông Đồng Nai) đã được Chính phủ phê duyệt. Nếu không, thì sự nỗ lực của các địa phương trong việc bảo vệ môi trường và hồi sinh sông Thị Vải sẽ gặp khó khăn.
Bản quyền của Công ty Đầu tư và Khai thác hạ tầng KCN Đông Xuyên và Phú Mỹ 1 - 20 Đường 3/2, P8, TP.Vũng Tàu - Điện thoại: (0254)359 3440 - Fax: (0254)359 3441. Thiết kế web bởi 4PSoft Lượt truy cấp thứ: